1. Nâng chuẩn lên Đại
học, lương giáo viên cũng tăng vượt bậc
Theo như Thư Ký Luật đã thông tin đến Quý Khách hàng
và Thành viên thì theo Luật Giáo dục 2019, từ ngày 01/7/2020, trình độ chuẩn
được đào tạo đối với giáo viên các cấp được nâng lên so với quy định tại Luật
Giáo dục 2005, cụ thể:
- Đối với giáo viên mầm non: Phải có bằng tốt nghiệp
cao đẳng sư phạm trở lên. (Quy định hiện hành chỉ yêu cầu có bằng tốt nghiệp
trung cấp sư phạm).
- Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung
học phổ thông: Phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. (Quy
định hiện hành yêu cầu bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên tiểu
học; bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có
chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở).
Với việc nâng chuẩn trình độ đào tạo này, lương của
giáo viên trong thời gian sắp tới cũng được tăng lên đáng kể.
Có thể thấy, theo quy định hiện nay, lương của giáo
viên là viên chức sẽ được trả theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được tuyển
dụng. Các giáo viên mới vào ngành sẽ có chức danh thấp nhất nên mức lương nhận
được cũng là mức thấp nhất. Hiện nay, ngành Giáo dục không có thang bảng lương
riêng, nhưng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học
cơ sở nâng lên cũng là căn cứ để khởi đầu cho bậc lương của giáo viên ở các bậc
học này, về logic cũng đã được nâng lên - Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục
Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay.
Ông cũng cho biết thêm, dự kiến cách tính lương mới sẽ
không còn khái niệm lương cơ bản mà sẽ là lượng tiền khởi động ban đầu có một
mức, sau đó quy ra các mức cao hơn. Cách đưa ra bậc lương ban đầu bằng lượng
tiền cùng các hệ số và được nâng lên bởi trình độ đào tạo, sẽ thấy lương giáo
viên, đặc biệt bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được nâng lên so với hệ
thống hiện nay, nhất là với đội ngũ giáo viên mới vào nghề.
Đối với bậc tiểu học, trình độ đào tạo của giáo viên
sẽ được nâng lên từ trung cấp lên đại học, nên đây cũng là bậc học mà lương có
thay đổi mạnh nhất. Hiện nay, mức lương ban đầu với hệ trung cấp là hệ số 1,86;
hệ đại học là 2,34 - riêng điều này cũng cho thấy mức tăng của lương giáo viên
tiểu học là rất lớn.
2. Cùng mức độ phức
tạp công việc, giáo viên được trả lương như nhau
Cụ thể, theo Mục 3.1.c Phần II Nghị quyết 27-NQ/TW,
sắp tới sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và áp dụng mức lương cụ thể đối với cán bộ,
công chức, viên chức; mức lương cụ thể này sẽ được tính căn cứ theo vị trí việc
làm của từng đối tượng.
Cụ thể hóa quy định này, Điều 76 Luật Giáo dục 2019 có
hiệu lực thi hành từ 01/7/2020 quy định về tiền lương của giáo viên như sau:
Điều 76. Tiền lương
Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và
lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của
Chính phủ.
Như vậy, theo quy định này, giáo viên sẽ được trả
lương theo vị trí việc làm, theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp bắt đầu vào
tháng 7/2020. Theo đó, với cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương của
giáo viên là như nhau, với điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi
nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề.
Có thể hiểu, từ ngày 01/7/2020, tiền lương giáo viên
được trả theo đúng năng lực thực chất, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc mỗi
người, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại. Do đó,
người dù mới được tuyển dụng/bổ nhiệm nhưng nếu đáp ứng được yêu cầu công việc
tại vị trí việc làm đó sẽ được trả lương tương xứng với công sức và kết quả làm
việc.
3. Đến năm 2021, lương
thấp nhất của giáo viên có thể bằng lương doanh nghiệp
Cụ thể, theo mục 2 chương II Nghị quyết này, từ năm
2018 đến năm 2020 sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ,
công chức, viên chức, bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp
với tốc độ tăng trưởng kinh tế đồng thời không bổ sung các loại phụ cấp mới
theo nghề; mục tiêu đến năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức,
viên chức sẽ bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Theo đó, định kỳ sẽ thực hiện nâng mức tiền lương phù
hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách
nhà nước. Cụ thể:
+ Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công
chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực
doanh nghiệp.
+ Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công
chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu
vực doanh nghiệp.